Sunday, August 8, 2010

Khu trục hạm USS John S. McCain đến Ðà Nẵng tuần tới 'trao đổi huấn luyện' với Hải Quân Việt Nam

HONGKONG (TH) - Một phái đoàn quân sự của quân đội Việt Nam sẽ được đưa ra thăm viếng hàng không mẫu hạm nguyên tử của Mỹ vào cuối tuần này khi nó đi ngang qua khu vực miền Trung Việt Nam .
Một bản tin của báo Anh ngữ South China Morning Post (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông cho hay hôm Thứ Bảy và nói viên chức Hải Quân Hoa Kỳ xác nhận như vậy.



Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington, trong tấm hình chụp ở Thái Bình Dương năm 2009. Hàng không mẫu hạm này sẽ tiếp một đoàn sĩ quan quân đội Việt Nam sắp tới đây.
(Hình: Adam K. Thomas/U.S. Navy)


Hàng không mẫu hạm USS George Washington vừa tham dự cuộc tập trận hỗn hợp với các đơn vị hải quân của Hàn Quốc ở trên biển Hoàng Hải đang trên đường đi xuống phía Nam.
Việc tiếp đón một phái đoàn quân sự cao cấp Việt Nam xuống thăm viếng trong bối cảnh các biến cố dồn dập liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo biển Ðông mang nhiều ý nghĩa chính trị, đồng thời cho thấy dấu hiệu mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ ngày càng ấm lên.

Sự xuất hiện của mẫu hạm USS George Washington trọng tải 104,000 tấn và đoàn tàu đặc nhiệm chiến đấu và yểm trợ ngay trên vùng biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng tranh chấp chủ quyền là một tín hiệu được Bắc Kinh theo dõi sát sao.
Mới hai tuần lễ trước, và chỉ 3 ngày sau những lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội, Trung Quốc đã mở ngay một cuộc tập trận hải quân qui mô trên biển Ðông, diễu võ dương oai thách thức.


Ðoàn sĩ quan quân đội Việt Nam theo dõi cảnh thao diễn của máy bay quân sự Mỹ
trên tàu sân bay USS Stennis ngày 22 tháng 4, 2009. (Hình: Tuổi Trẻ)


Theo báo SCMP, viên chức nhà nước và sĩ quan Việt Nam sẽ bay từ phi trường Ðà Nẵng để ra thăm mẫu hạm nói trên, hiển nhiên, cũng chẳng cách bao nhiêu đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1974 rồi đang tiến hành các kế hoạch bành trướng ở đây.
Ðây là lần thứ ba mà các phái đoàn quan chức và sĩ quan Việt Nam được mời xuống thăm các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Nhưng đây là lần thứ hai một phái đoàn CSVN được mời xuống một mẫu hạm khi nó đi ngang vùng biển quốc tế sát Việt Nam .

Tháng 4, 2009, Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak đã hướng dẫn một phái đoàn khoảng 10 sĩ quan (cao cấp nhất là đại tá) Không Quân và Hải Quân CSVN thăm mẫu hạm Stennis ở một địa điểm cách phía Nam đảo Côn Sơn khoảng 250 hải lý.
Mới ngày 2 tháng 7, 2010, một phái đoàn do phó đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn, Nguyễn Tiến Minh, cầm đầu đã xuống thăm mẫu hạm USS George H.W. Bush, tại căn cứ Hải Quân Norfolk ở tiểu bang Virginia , Mỹ.

Khoảng tuần tới, một khu trục hạm Hoa Kỳ, USS John S. McCain, sẽ đến thăm viếng cảng Ðà Nẵng ở miền Trung Việt Nam nhằm trao đổi huấn luyện giữa hải quân hai nước về các qui tác tiến hành các hoạt động không nhạy cảm như chữa cháy, tìm kiếm và cứu vớt trên biển. Khu trục hạm này được đặt tên vinh danh ông nội và cha của Thượng Nghị Sĩ John McCain; cả hai đều là đô đốc 4 sao.

Trong cuộc họp của Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ASEAN ở Hà Nội ngày 23 tháng 7, 2010, Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nói có lợi ích quốc gia trên biển Ðông theo các thỏa thuận quốc tế. Bà nói Hoa Kỳ sẵn sàng đóng góp giải quyết tranh chấp biển Ðông bằng thương nghị ngoại giao. Trung Quốc lập lại lời chống quốc tế hóa, đa phương hóa tranh chấp chủ quyền biển đảo và coi cái “lưỡi bò” mà họ ngang nhiên vạch ra chiếm gần hết biển Ðông là “lợi ích cốt lõi” (từng được đại diện Trung Quốc thông báo cho Tòa Bạch Ốc hồi tháng 3 vừa qua). Cái gọi là “lợi ích cốt lõi” (core interest) này được xếp ngang hàng với Tây Tạng, Tân Cương là những nước láng giềng đã bị Trung Quốc xâm lăng từ nhiều thập niên trước và đang tiến hành đồng hóa chủng tộc.

Ngày Thứ Năm vừa qua, phát ngôn viên Ngoại Giao Việt Nam họp báo tố cáo Bắc Kinh đã ngang nhiên tổ chức thăm dò dầu khí (có tàu chiến hộ vệ) trên thềm lục địa Việt Nam, từ cuối tháng 5 đến nay, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 90 hải lý. Ðồng thời còn san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn, đảo phía Nam của quần đảo Hoàng Sa trong nhiều mưu đồ cả kinh tế và quân sự.

Trung Quốc liền lên tiếng bác bỏ cũng như những lần phản đối trước đây của phía Việt Nam. Các lời phản đối suông từ phía Việt Nam không hề có tác dụng. Năm ngoái và năm nay, nhiều tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu chiến Trung Quốc đâm chìm hoặc bắt giữ ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Trong một bài bình luận trên nhật báo tài chính Wall Street Journal ngày 3 tháng 8, 2010, tác giả Barry Wain (hiện đang là thành viên của Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore) hành động tập trận bắn đạn thật trên biển Ðông của Trung Quốc ngày 26 tháng 7, 2010 là nhằm nói rõ rằng cái “lưỡi bò” là của họ và không thể tranh cãi. Ðồng thời xác định Hoa Kỳ “không có quyền” chen vào tranh chấp ở khu vực mà Trung Quốc tự mình coi là trùm.

Ông Wain cho rằng khi tự coi biển Ðông là “lợi ích cốt lõi,” Trung Quốc đã phạm “lỗi lầm chiến thuật” nên đã gây phản ứng từ những cường quốc Á Châu-Thái Bình Dương khác. Trung Quốc đã đi quá đà dẫn đến phản ứng từ Hoa Kỳ. Nếu không nghĩ lại, Trung Quốc sẽ đẩy các lân quốc đến gần Mỹ hơn.
Theo NVOL

No comments:

Post a Comment